Email: info@fnbvietnam.vn

Phone: (+84) 922.559.799

spot_img
HomeCẩm nangBar/bếpLàm thế nào để có thu nhập cao với nghề bếp

Làm thế nào để có thu nhập cao với nghề bếp

Với sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch – nghỉ dưỡng, đầu bếp là một trong nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất hiện nay. Khi đã theo được nghề, sẽ có không ít bạn băn khoăn với câu hỏi “Làm thế nào để đầu bếp có được thu nhập cao?”. Thông tin được Học Viện Ẩm Thực chia sẻ trong bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp câu hỏi này.
[crp]
Là một đầu bếp giỏi
Để có được một mức thu nhập cao thì trước hết bạn phải là một đầu bếp giỏi. Dù chuyên món Việt, món Âu, món Á hay bánh – thì đầu bếp giỏi phải là người am hiểu về nguyên liệu, “nằm lòng” các công thức món ăn, thành thạo các phương pháp chế biến từ cơ bản đến nâng cao, có khả năng nêm nếm và “mắt thẩm mỹ” tốt… để tạo nên những món ăn đáp ứng được các yêu cầu về hương – sắc.
Muốn trở thành một đầu bếp giỏi, ngay từ khi còn là một phụ bếp hay khi đã là một đầu bếp, bạn luôn phải nỗ lực rèn luyện tay nghề – học hỏi kiến thức từ những “đàn anh” trong nghề; thường xuyên cập nhật thông tin từ các tạp chí chuyên ngành, các chương trình – cuộc thi về ẩm thực trên khắp thế giới… để luyện tập theo và áp dụng một cách “thông minh, sáng tạo” vào công việc thực tế của mình.
Một khi đã trở thành một đầu bếp giỏi, có tay nghề cao, bạn sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến lên những vị trí cao hơn như: tổ trưởng, giám sát ca… hay đủ khả năng để ứng tuyển làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp hơn. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ có được mức thu nhập cao hơn.
Giải pháp để đầu bếp cải thiện có thêm thu nhập cao

Làm việc trong khách sạn – nhà hàng lớn

Rõ ràng nếu làm việc cho các khách sạn – nhà hàng cao cấp 4 – 5 sao thì tất nhiên mức lương cơ bản lẫn các chế độ đãi ngộ bạn được hưởng cũng sẽ cao hơn nhiều so với các cơ sở dịch vụ ẩm thực có tiêu chuẩn thấp hơn. Để được tuyển dụng vào làm việc trong những môi trường mang tính chuyên nghiệp cao như thế này, bạn phải là một đầu bếp có tay nghề giỏi và có khả năng giao tiếp tiếng Anh – càng thành thạo càng tốt.
Hiện tại, tại Việt Nam có khá nhiều khách sạn – nhà hàng cao cấp do bếp trưởng là người ngước ngoài chịu trách nhiệm quản lý, cho nên nếu “có tiếng Anh” bạn sẽ dễ dàng giao tiếp trong công việc, học hỏi được nhiều kinh nghiệm bổ ích từ các chuyên gia – để phát triển nghề nghiệp của bản thân. Nếu được làm việc trong các khách sạn – nhà hàng được quản lý bởi các tập đoàn quốc tế, bạn cũng sẽ có cơ hội được cử tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ ở nước ngoài, tham gia các cuộc thi ẩm thực… Là một đầu bếp giỏi – làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp – nếu có đủ đam mê và sự nỗ lực – chắc chắn bạn sẽ được thăng tiến lên những vị trí cao hơn trong nghề.

Tham gia giảng dạy tại các trung tâm đào tạo nghề

Nếu đã là một đầu bếp nóng, bếp lạnh hay bếp bánh có tay nghề cao cộng với khả năng sư phạm tốt, bạn hoàn toàn có thể tham gia giảng dạy tại các trung tâm đào tạo nghề. Khả năng sư phạm tốt ở đây thể hiện ở kỹ năng trình bày vấn đề một cách trôi chảy – mạch lạc – dễ hiểu; nắm bắt và giải quyết vấn đề nhanh chóng…
Ngoài công việc làm bếp chính thức trong các nhà hàng – khách sạn, thì việc tham gia giảng dạy này cũng giúp mang lại cho bạn một khoản thu nhập không hề nhỏ. Nhưng điều quan trọng là bạn phải sắp xếp thời gian hợp lý, lên kế hoạch công việc thật cụ thể để không bị chồng chéo, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả các công việc mình đảm nhận.

Tự kinh doanh

Lâu nay, chúng ta vẫn thường truyền tai nhau rằng: “Phi thương bất phú” – có nghĩa là: không làm kinh doanh thì khó giàu nổi. Điều này đúng thế thật, tuy nhiên không phải đầu bếp nào cũng có “tay kinh doanh” và có thể tự kinh doanh được. Muốn làm giàu bằng cách này, bạn nhất thiết phải có “máu kinh doanh”, mạnh về tiềm lực tài chính, am hiểu thị trường và biết cách quản lý… Thực tế thì không có nhiều đầu bếp hội tụ đủ các yếu tố này.
Khi tay nghề đã ở trình độ “chín muồi” và có được nguồn vốn kha khá, cách tốt nhất để bạn có thể “tự kinh doanh” thành công chính là kết hợp với một người bạn đồng hành am hiểu về việc kinh doanh, có kiến thức quản lý để cùng thành lập một cở sở dịch vụ ăn uống như mong muốn. Và nhiệm vụ của bạn là quản lý tốt hoạt động bộ phận bếp, rồi học hỏi dần dần các kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để có thể “tự đứng vững” trong tương lai.
Nguồn: hocvienamthuc
Có thể bạn quan tâm

Kiến thức nổi bật

Tin tức mới nhất

- Advertisment -spot_img